Chế biến gỗ và lâm sản sẽ là ngành kinh tế chủ lực

16-11-2018 09:29


Trong 10 năm qua, chế biến gỗ và lâm sản đã liên tục phát triển về sản xuất và xuất khẩu. Năm 2017, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã lần đầu tiên vượt mốc 8 tỷ USD và đang sẵn sàng vượt mốc 9 tỷ USD trong năm nay.

Với tiềm năng của ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhu cầu của thị trường thế giới, ngành chế biến gỗ và lâm sản hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế chủ lực.

9 tỷ USD trong tầm tay

Theo Bộ NN-PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ vẫn là thị trường số 1 của ngành lâm nghiệp Việt Nam, nhất là trong XK sản phẩm gỗ.

16-30-08_che_bien_go_v_lm_sn_-_nh_1
Một số sản phẩm gỗ XK

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm nay, XK sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt giá trị 1,695 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng giá trị XK gỗ và đồ gỗ. 4 thị trường khác đã có giá trị XK đạt từ hơn 100 triệu USD trở lên là Trung Quốc (555,639 triệu USD), Nhật Bản (528 triệu USD), Hàn Quốc (459,763 triệu USD) và Anh (142,618 triệu USD).

Theo Bộ Công thương, trong nửa cuối năm nay, thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục thuận lợi bởi thị trường bất động sản trên toàn cầu cải thiện là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ gỗ và các sản phẩm nội thất.

Theo chu kỳ hàng năm, nửa cuối năm nhu cầu sửa chữa thay thế các sản phẩm nội thất tại nhiều thị trường lớn tăng là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng XK của ngành gỗ Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng trên hai con số, dự báo trong nửa cuối năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tăng 13 - 15% so cùng kỳ 2017.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ là 4,052 tỷ USD. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng như trên, trong 6 tháng cuối năm nay, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ có thể đạt khoảng 4,6 tỷ USD. Cộng với 4,124 tỷ USD XK trong 6 tháng đầu năm, riêng XK gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay có thể đạt khoảng 8,7 tỷ USD. Như vậy, khi cộng với giá trị XK của lâm sản ngoài gỗ, con số 9 tỷ USD XK năm 2018 đang ở trong tầm tay của ngành lâm nghiệp. Như vậy, trong 2 năm liên tiếp, ngành lâm nghiệp đạt 2 mốc XK ấn tượng là 8 và 9 tỷ USD.

Với đà tăng trưởng XK ấn tượng như trên, Bộ NN-PTNT đã đề ra mục tiêu phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK của Việt Nam.

Cụ thể như sau: Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên trên 10% vào năm 2025 (năm 2018 đạt tối thiểu 9 tỷ USD; chiếm khoảng 6,7% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới; năm 2020 đạt 11 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2%; năm 2025 đạt 15 tỷ USD, chiếm hơn 10%).

Lợi thế lớn nhờ gỗ rừng trồng trong nước

Điều đáng chú ý của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong 10 năm qua không chỉ ở chỗ đạt những thành tích XK ấn tượng mà còn đang chuyển mạnh theo hướng phát triển bền vững.

Sự bền vững thể hiện trước hết ở việc Việt Nam đã tự chủ được phần lớn nguyên liệu cho chế biến gỗ.

Theo Bộ NN-PTNT, trước năm 2010, lượng gỗ NK luôn chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.

Trên cơ sở thực hiện thành công các chương trình, dự án trồng rừng của Nhà nước trong thời gian qua, ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt các diện tích rừng hiện có, nâng độ che phủ của rừng lên 41,45% vào năm 2017, đã tạo được nguồn nguyên liệu rừng trồng ổn định, hợp pháp cho ngành chế biến gỗ.

16-30-08_che_bien_go_v_lm_sn_-_nh_2
Chế biến gỗ ở Bình Dương


Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước được sử dụng nhiều nhất cho sản xuất đồ gỗ và chiếm tỷ trọng cao nhất so với tổng số nguyên liệu cung ứng cho ngành chế biến gỗ.

Điều này thể hiện thành tựu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao được tỷ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu.

Với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, các doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha.

Để đạt được kết quả này, ngoài vai trò của nhà nước trong ban hành chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gắn với chế biến, là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty Scansia Pacific, khẳng định “Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN gỗ có lợi thế hơn hẳn vì có nguồn nguyên liệu rẻ và ổn định so với NK. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp uy tín cho thế giới”. Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty AA, ngành gỗ may mắn đã có được nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng để chúng ta sản xuất đồ nội thất XK. Lợi thế này giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao trên 70%.


Năm 2017, tổng nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ là khoảng 31 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước là 25 triệu m3 (chiếm 75% nhu cầu).

Đối tác của iTwood