Lo ngại truy xuất nguồn gốc gỗ

08-09-2018 05:11


Năm 2018, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu nếu được triển khai, thì việc xuất - nhập khẩu gỗ sẽ minh bạch hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người trồng rừng lo ngại về quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

doanh nghiệp và người trồng rừng trong tỉnh lo ngại về về quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.Ảnh: T.NGUYỄN
doanh nghiệp và người trồng rừng trong tỉnh lo ngại về về quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.Ảnh: T.NGUYỄN

Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán với Liên minh châu Âu về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi là FLEGT). Các chuyên gia của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - WWF nhận định, nếu được ký kết về FLEGT sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm từ rừng của Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Nam cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trên thị trường. Với những doanh nghiệp có uy tín, sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu qua thị trường Mỹ, châu Âu sẽ rất dễ dàng, không bị sát hạch kỹ, hoặc qua đất nước trung gian kiểm soát hàng hóa. Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ là rào cản lớn. Đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường lớn nhất là châu Âu và Mỹ chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, việc ký kết và thực hiện FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện được ngành thương mại lâm sản, khuyến khích quản lý rừng bền vững.

Tại Quảng Nam, nếu hiệp định FLEGT triển khai, doanh nghiệp lẫn người trồng rừng sẽ đối mặt với nhiều thách thức ban đầu. Công ty CP Gỗ Minh Dương (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) cho biết, các sản phẩm chế biến, gia công bàn ghế từ gỗ của doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu là chính. Lo ngại nhất là mua nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, bởi diện tích rừng được cấp chứng chỉ hợp pháp rất ít. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh rất lúng túng, chưa nắm được thế nào là gỗ hợp pháp và quá trình truy xuất nguồn gốc. Từ đầu năm 2017, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn với người dân các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước. Tuy nhiên, thời điểm này rừng trồng được cấp chứng chỉ quốc tế hợp pháp chỉ dưới 2.000ha. Các nhà nhập khẩu châu Âu lo lắng về vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Theo Sở NN&PTNT, vướng mắc khi thực hiện FLEGT là doanh nghiệp còn lơ là với trách nhiệm xã hội (sử dụng lao động, chế độ tiền lương, y tế, an toàn thực phẩm…); lúng túng về quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, kể cả các nguyên liệu gỗ trồng như cây cao su, tràm... Trong khi đó, theo Sở Công Thương, gỗ trên địa bàn tỉnh phần lớn khai thác sau 4 - 5 năm trồng và được trồng với mật độ dày, nên phục vụ cho chế biến đồ gỗ rất ít. Nhiều lô hàng về sản phẩm gỗ xuất khẩu từng bị trả về nước do thiếu minh bạch trong sử dụng nguồn gốc lâm sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đang mua gỗ từ nhiều quốc gia như Malaysia, Lào, Ấn Độ, Úc… Việc tìm nhà cung cấp sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp cũng là một khó khăn với doanh nghiệp.

TRẦN NGUYỄN

Đối tác của iTwood