Xuất khẩu gỗ Việt Nam dự báo tăng 16 – 18% nửa đầu 2019

20-04-2019 08:26


(NDH) Nhờ Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực và triển vọng EVFTA sẽ được ký phê duyệt trong năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng mạnh trong quý I và được đánh giá khả quan trong thời gian tới.

Xuất khẩu tháng 3 tăng trưởng 3 con số

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 882,4 triệu USD trong tháng 3, tăng 120% so với tháng trước. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ tăng 135,7% và đạt 616,8 triệu USD.

Tính cả quý I, giá trị xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng quý I nhờ nhu cầu lớn từ các thị trường xuất khẩu chính.

Biểu đồ: Phan Vũ.

Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD, đưa thị phần của thị trường này tăng lên 45,4%. Đây vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam.

Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 15,2% và đạt hơn 305 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu gỗ sang thị trường này đang có lợi thế nhờ hiệp định CPTPP.

Theo cam kết trong CPTPP của Nhật Bản, nếu khối lượng nhập khẩu không vượt quá ngưỡng quy định, thuế sẽ giảm dần từ 6% về 0 vào năm thứ 16. Tuy nhiên, ngưỡng nhập khẩu quy định sẽ tăng dần theo từng năm đến năm thứ 15.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam dự báo tăng 16 – 18% trong nửa đầu 2019.Ảnh: Reuters.

Triển vọng xuất khẩu khả quan

Với đà tăng trưởng hiện nay và nhiều yếu tố hỗ trợ, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2019 sẽ tăng từ 16 – 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, thị trường sản phẩm gỗ và đồ nội thất trên toàn thế giới còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Theo Allied Market Research, thị trường sàn gỗ thế giới dự báo đạt 141 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5,9% trong giai đoạn 2018 - 2025.

Sự gia tăng các công trình dân cư và phi dân cư, tăng chi tiêu cho việc tu sửa nhà ở, nhu cầu ngày càng tăng đối với các vật liệu thân thiện với môi trường... sẽ thúc đẩy tăng trưởng của thị trường sàn gỗ thế giới. Phân khúc nhà ở sẽ là phân khúc mang lại doanh thu chính trong giai đoạn này.

Hơn nữa, Việt Nam đang có lợi thế về các hiệp định thương mại tự do, mới nhất là CPTPP do thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đã có đơn hàng đến hết năm 2019 và đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết.

Nguồn: Phan Vũ - http://ndh.vn

Đối tác của iTwood